26/08/2021
Chiều 26/8/2021, tại Hà Nội, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Robyn Mudie.

Tham dự buổi tiếp, có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý đào tạo, Viện Quyền con người, Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ (GeLead), Trung tâm Chia sẻ Tri thức toàn cầu.
Ô-xtrây-li-a cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống Covid-19
Trao đổi tại buổi tiếp về những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam hiện nay, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ từ sớm của Chính phủ Ô-xtrây-li-a đối với Việt Nam trong hoạt động phòng, chống dịch thời gian qua với cam kết viện trợ 40 triệu đôla Úc (AUD) để cải thiện khả năng tiếp cận vaccine dành cho Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ô-xtrây-li-a. Điều này khẳng định tinh thần Đối tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai nước từ năm 2018, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh trong phát biểu trao đổi.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai quốc gia phát triển ngày càng tin cậy, thiết thực và đi vào chiều sâu, và trên thực tế các nội dung trụ cột của Đối tác chiến lược song phương Việt Nam – Ô-xtrây-li-a đã được hai bên triển khai, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay nhưng hai bên vẫn duy trì các trao đổi, tiếp xúc thường xuyên mà mới đây là cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Scott Morrison; ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2020 đạt 8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2019. Trong khi, trụ cột thứ ba về đối tác chia sẻ tri thức và đổi mới được hai bên đặc biệt quan tâm và thúc đẩy với nhiều hoạt động hợp tác được chú trọng.

Bày tỏ sự thán phục và ngưỡng mộ đối với đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến kiên cường chống đại dịch Covid-19, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Robyn Mudie nhấn mạnh cam kết sâu sắc của Ô-xtrây-li-a trong hỗ trợ Việt Nam phòng chống Covid-19 và cho biết, 403.000 liều đầu tiên trong số 1,5 triệu liều vaccine Ô-xtrây-li-a cam kết hỗ trợ Việt Nam sẽ được chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh ngay trong tối ngày 26/8/2021.
Bà Robyn Mudie khẳng định, đây là một phần trong sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ Ô-xtrây-li-a dành cho Việt Nam. Phía Ô-xtrây-li-a hiểu rằng sự phục hồi về kinh tế nói riêng và sự phục hồi nói chung của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, cùng với cam kết viện trợ 40 triệu AUD để cải thiện khả năng tiếp cận vaccine dành cho Việt Nam, Ô-xtrây-li-a cũng cam kết hỗ trợ 100 triệu AUD qua chương trình đối tác vaccine của nhóm bộ tứ và khoản đóng góp trị giá 130 triệu AUD vào Cơ chế chia sẻ vaccine COVAX nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam tiếp cận với vaccine phòng Covid-19.
Trụ cột về đối tác chia sẻ tri thức và đổi mới
Về các trụ cột hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược song phương Ô-xtrây-li-a – Việt Nam, bà Robyn Mudie cho rằng, trụ cột về đối tác chia sẻ tri thức và đổi mới là cơ sở quan trọng để Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam và Học viện tăng cường hợp tác trong thời gian qua. Đại sứ Robyn Mudie đặc biệt ghi nhận những kết quả đã đạt được trong triển khai Biên bản hợp tác giữa Trung tâm GeLead của Học viện với Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2017-2020, kết quả triển khai Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” giữa Học viện và Ủy ban Quyền con người Ô-xtrây-li-a giai đoạn 2019-2021; cũng như việc thực hiện thí điểm mời chuyên gia Ô-xtrây-li-a vào giảng các chuyên đề ngoại khóa tại các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung của Học viện, hay kết quả triển khai hợp tác nghiên cứu chung về “Cách tiếp cận thể chế nữ quyền về sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ Việt Nam”, v.v..
Chia sẻ những khó khăn và gián đoạn do đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, Đại sứ Robyn Mudie đánh giá cao nỗ lực của Học viện trong triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai bên. Trong đó có dự án nghiên cứu “Xây dựng bản đồ các ngành công nghiệp Việt Nam – Hàm ý đối với kết nối vùng và chiến lược phát triển quốc gia”, đặc biệt là dự án thành lập Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a, hạt nhân quan trọng thúc đẩy các hoạt động hợp tác về chia sẻ tri thức và đổi mới giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a trong tương lai.

Đồng tình với nhận định của Đại sứ Robyn Mudie, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, các chương trình/dự án hợp tác đang triển khai giữa hai bên rất có ý nghĩa với Việt Nam. Chương trình hợp tác đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân sẽ góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng xây dựng chương trình giáo dục về quyền con người cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người và xây dựng tài liệu giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam theo chuẩn quốc tế; trong khi từ góc nhìn tổng thể, dự án xây dựng bản đồ các ngành công nghiệp Việt Nam góp phần quan trọng hỗ trợ cho phát triển kinh tế địa phương, xây dựng, thực hiện thành công chiến lược, chính sách công nghiệp ở cấp tỉnh, cũng như cấp quốc gia.
Đối với dự án thành lập Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Học viện đã nhận được đầy đủ các ý kiến góp ý của Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao. Nhìn chung, các cơ quan, ban, bộ, ngành liên quan về phía Việt Nam đều đồng ý, thống nhất và ủng hộ việc thành lập Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, việc triển khai dự án này phù hợp với Tuyên bố chung ngày 23/8/2019 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Scott Morrison và phù hợp với nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Mục tiêu của dự án là nhằm giúp Việt Nam tiếp cận, sử dụng tri thức chuyên môn, kỹ thuật cao, qua đó góp phần nâng cao kỹ năng, năng lực nguồn nhân lực, đóng góp vào quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững, toàn diện của Việt Nam cũng như củng cố mối quan hệ lâu bền với Ô-xtrây-li-a.
Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho thế hệ lãnh đạo tương lai
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển thu nhập trung bình thấp, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Để đạt được bước chuyển từ thu nhập trung bình thấp lên thu nhập trung bình cao mà không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam cần phải đặc biệt nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực công, xây dựng một khu vực công mạnh. Do đó, việc hợp tác nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo năng lực nguồn nhân lực Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế là rất quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay. Đây cũng là chủ trương trong nỗ lực phát triển đất nước với mục tiêu lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau của Việt Nam.
Với vai trò của Ô-xtrây-li-a trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong quan hệ với Việt Nam, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định những yếu tố quan trọng trong hợp tác giữa hai nước: một là, sự tin cậy chính trị; hai là, thúc đẩy sự ổn định và phát triển vì một Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực; và ba là, thực hiện các bước phát triển mới liên quan đến các đột phá để đến năm 2025, Việt Nam sớm vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, trong đó phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược. Vì vậy, việc thành lập Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a sẽ giúp tận dụng trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của Ô-xtrây-li-a trong đào tạo và nâng cao năng lực cho thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam, cũng như làm sâu sắc hơn hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các bộ, ngành giữa hai nước; đồng thời khẳng định niềm tin, truyền thống trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Khẳng định vai trò quan trọng của Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam trong việc thành lập Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong thúc đẩy và nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước với những chương trình hành động cụ thể, dựa trên thế mạnh của Ô-xtrây-li-a để hỗ trợ Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ, đánh giá của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Robyn Mudie tin tưởng trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (26/2/1973-26/2/2023), quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ đạt được những bước tiến mạnh mẽ và ngày càng sâu sắc. Đại sứ Robyn Mudie khẳng định, Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a sẽ sớm được thành lập và đi vào hoạt động, đóng góp thiết thực vào quan hệ đối tác chiến lược Ô-xtrây-li-a – Việt Nam và vào sự phát triển của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng và Đại sứ Robyn Mudie đã thống nhất giao cho các nhóm công tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng đạt được đồng thuận trong các nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập Trung tâm Việt Nam-Ô-xtrây-li-a tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
——
Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Robyn Mudie là cán bộ cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a, và mới đây là Giám đốc Điều hành sáng lập Học viện Ngoại giao. Bà từng giữ vai trò Cao ủy Ô-xtrây-li-a tại Sri Lanka và Maldives; Phó Đại diện thường trực Ô-xtrây-li-a tại Liên Hợp Quốc (Geneva); Bí thư thứ nhất, Phái đoàn Thường trực Ô-xtrây-li-a tại Liên Hợp Quốc, New York; và Bí thư thứ hai tại Hà Nội. Tại Canberra, bà từng giữ vai trò Trợ lý Bộ trưởng, Bộ phận Ngoại giao công chúng; Trợ lý Bộ trưởng, Bộ phận Thông tin; và Giám đốc, Bộ phận Chính sách Chiến lược.
Bà Mudie nhận bằng Thạc sỹ Đông Nam Á học tại trường Đại học Hull; Cử nhân danh dự tại trường Đại học Adelaide; và Chứng chỉ nghề sau đại học về Ngoại giao và Thương mại tại trường Đại học quốc gia Ô-xtrây-li-a. Bà Mudie có thể nói tiếng Việt và đã học tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ RAAF (năm 1992), Trường Ngoại ngữ tại Hà Nội (năm 1993) và Học viện Ngoại giao (năm 2019)./.
Tác giả: Mạnh Thắng & Minh Hằng
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh